Triết lý Lăng tẩm Huế – Cách đây gần 80 năm, một người phương tây là Eberhard đã viết :
“Huế là một trung tâm du lịch hấp dẫn, nơi có Kinh thành, Hoàng thành và lăng tẩm, có sức cuốn hút sự chú ý đặc biệt của du khách và các nhà mỹ thuật. Chỉ riêng lăng tẩm của các nhà vua Nguyễn không thôi cũng đủ giá trị đối với cuộc du lịch rồi, theo ý chung, lăng tẩm Huế đẹp hơn lăng tẩm của các nhà vua Minh ở Trung Quốc”
Mãi đến ngày nay, ý kiến chung của những nhà làm công tác văn hoá nghệ thuật trong nước và trên thế giới mới khẳng định rằng lăng tẩm Huế là một thành tựu rực rỡ nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam.
Triều Nguyễn (1802-1945) có đến 13 vua, nhưng vì những lý do lịch sử phức tạp khác nhau nên hiện nay Huế chỉ có 7 khu lăng tẩm. Đó là các lăng Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Dục Đức (ở đây còn có hai vua Thành Thái và Duy Tân), Tự Đức, Đồng Khánh và Khải Định.
Theo ý đồ quy hoạch kiến trúc kinh đô nhà Nguyễn vào đầu thế kỷ XIX, 7 khu lăng ấy nằm trong một vùng khá riêng biệt ở phía Tây Huế, nhìn từ vị trí Trung ương của Cố đô. Nhiều thể hiện di tích tại chỗ cho thấy vua là đấng chí tôn được biểu trưng bằng mặt trời cao cả. Và hình ảnh mặt trời lặn là biểu thị khái niệm vua băng hà. Khi đã băng hà , vua cùng mặt trời đi về phía tây để an giấc ngàn thu nơi núi đồi tĩnh mịch. ở góc trời yên ả đó có dòng sông Hương êm đềm chảy qua.
Theo quan niệm ‘tức vị trị lăng’, phần lớn các lăng tẩm đều được xây dựng khi nhà vua còn ở trên ngai vàng. Hầu hết nhân lực, vật lực của Nhà nước và năng lực của chính nhà vua nữa đều được đổ ra trong nhiều năm để thực hiện. Chủ đề tư tưởng nghệ thuật do nhà vua đưa ra, đồ án kiến trúc do vua duyệt khán và chính nhà vua cũng thường đi giám sát thi công.
Kiến trúc cổ Việt nam nói chung là kiến trúc phong cảnh, còn gọi là kiến trúc cảnh vật hoá. Nghệ thuật kiến trúc này đạt đến đỉnh cao ở lăng tẩm Huế. Vào thăm lăng tẩm Huế, người ta có cảm giác như đi chơi ở công viên mỹ lệ giữa chốn núi rừng bao la, ở đó có thể nghe thấy được chim hót, hoa nở, suối chảy, thông reo.
Nhưng trên đây chỉ mới là một mặt của vấn đề. Muốn lý giải để biết tại sao lại có được nghệ thuật tạo hình tạo cảnh như vậy ở lăng tẩm các vua Nguyễn, thiết tưởng chúng ta phải tìm hiểu về quan niệm về sự sống và cái chết, nghĩa là triết lý sâu sắc về cuộc đời ẩn tàng đằng sau những gì thấy được khi họ nằm xuống.
Ở đây ngoài những hình tượng cụ thể mà mọi người thưởng thức được bằng trực giác còn có những cái trừu tượng và siêu nhiên cần phải vận dụng đến tư duy mới có thể nhận thức và cảm thụ. Đó là tư tưởng xuất phát từ nhân sinh quan của một thời kỳ lịch sử. Chúng ta phải đặt lăng tẩm Huế vào trong bối cảnh lịch sử tư tưởng các thế kỷ trước của giới trí thức nói chung và các vua Nguyễn nói riêng.
Theo quan niệm duy tâm, họ cho rằng chết chưa phải là hết. Cho nên lăng tẩm Huế không phải chỉ là chốn mộ địa u buồn. Bố cục mặt bằng lăng tẩm nào cũng chia làm hai phần chính : phần lăng và phần tẩm. Khu vực lăng là khu chôn thi hài nhà vua. Khu vực tẩm là chỗ xây nhiều miếu điện, lầu, gác, đình, tạ để lúc còn sống nhà vua thỉnh thoảng rời Hoàng cung lên đây tiêu khiển. Có thể xem khu vực tẩm là Hoàng cung thứ hai của ông vua đang tại vị.
Sau khi nhà vua băng hà, tất cả các công trình kiến trúc trong khu vực tẩm vẫn bảo lưu y nguyên để thờ phụng đấng quân vương. Xem như vua vẫn còn sống, đám phi tầng cung nữ trong Hoàng cung cũng phải lên đây ăn ở để khói hương thờ phụng cho đến trọn kiếp người. Họ phải ‘sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn’ với tất cả những ý nghĩa của giáo điều này với lòng trung thành, sự chung thủy của họ đối với vị ‘Tiên đế’ vừa về thế giới bên kia. Như vậy sau khi nhà vua băng hà, lăng tẩm mới trở thành cõi sống của người đã chết.
Nhân tố chi phối công việc phân chia ra hai khu vực trong quy hoạch mặt bằng lăng tẩm Huế và tạo ra phong cách kiến trúc giàu tính nghệ thuật đã xuất phát từ quan niệm ‘sinh ký tử quy’ (sống gửi thác về) của con người thưở ấy. Cổ nhân cho rằng cuộc sống trên cõi trần ai chỉ là cái tạm bợ, dù thọ được trăm năm cũng chóng qua như giấc mộng, vạn hữu đều vô thường, năng thay đổi hình trạng như đám phù vân.
Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa của nó. Có thấu hiểu thì mới giải thích được tại sao ở chốn âm phần lại có cả hệ thống cung điện để ăn chơi hưởng thụ, có cả nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp giai nhân, mới lý giải được tại sao một phần nội thất cung Thiên Định ở lăng Khải Định giống như một viện bảo tàng mỹ thuật.
Kiến trúc lăng tẩm Huế còn cho thấy một thái độ thanh thản khôn ngoan đối với cái chết tất nhiên phải đến với đời người. Lăng và tẩm có nơi chỉ gần nhau gang tấc. Các vua đến chơi trong khu vực tẩm, nhìn qua cái huyệt đào sẵn ở khu vực lăng mà chẳng hề có chút băn khoăn lo sợ, ngược lại họ vẫn sống ung dung tự tại. Thấu hiểu quy luật tự nhiên của đời người, vui vẻ trước cái chết và sẵn sàng chờ cho tử thần đến đưa họ về thế giới bên kia. Vì đó là ngôi nhà vĩnh cữu, nơi an giấc ngàn thu, cõi trường sinh bất diệt.
Tóm lại, nhờ có chủ đề tư tưởng bắt nguồn từ nhân sinh quan tổng hợp của các dòng triết học Đông phương và nhờ tài năng nghệ thuật tuyệt diệu của các nhà kiến trúc Việt nam đương thời, lăng tẩm Huế đã trở thành những đoá hoa nghệ thuật đầy hương sắc nở ra giữa chốn đồi núi xứ Huế và mang phong cách riêng biệt độc đáo so với các loại hình kiến trúc mộ táng trên hoàn cầu.