Lễ rước Hến là một tục lệ của làng Cồn Soi, thuộc phường Vĩ Dạ, thành phố Huế. Cứ 3 năm thì lễ Rước Hến được tổ chức lễ lớn kéo dài từ 2-3 ngày với nhiều nghi thức lễ hội long trọng, những năm còn lại thì chỉ có lễ rước bằng thuyền hoa, được thực hiện tại khu vực Cồn Hến, trên dòng sông Hương.
Lễ Rước Hến được tổ chức vô cùng long trọng, với thuyền hoa được trang trí cờ lọng, án thờ được kết hoa đặt long trọng giữa thuyền. Đám rước nhằm cung nghinh thần sông nước nền tiếng trống, tiếng chiêng và phường nhạc bát âm tạo không khí sôi động, thu hút quan khách và người xem đông đảo hai bên bờ.
Lễ Rước Hến mang một ý nghĩa cao đẹp của người dân Cồn Hến, những người sống bằng nghề sản xuất loại hến nhỏ và ngon ngọt làm nên món cơm hến độc đáo của xứ Huế.
1. Lịch sử của lễ Rước Hến
Lễ Rước Hến là một lễ hội lâu đời, với lịch sử là hương lễ của làng Cồn Soi, thuộc phường Giang Hến (nay là phường Vĩ Dạ). Cứ 3 năm một lần lễ hội sẽ được tổ chức vô cùng long trọng, kéo dài từ 2 đến 3 ngày, ngày lễ chính sẽ là ngày 24 tháng 6 Âm lịch. Còn trong hai năm nằm giữa khoảng thời gian tổ chức lễ hội, người dân sẽ làm tiền lễ, có nghĩa là chỉ đi rước thần và dùng cây phan (cây tre có buộc một tấm lụa đỏ) để cắm giữa sông, ngoài ra không thực hiện bất cứ nghi lễ nào khác.
Về lịch sử lễ hội, theo tương truyền vào năm Thành Thái thứ 4 (năm Nhâm Thìn 1892) ở phường Giang Hến có bà Trần Thị Thẹp đi thuyền nhỏ ra sống trước đình Hương Cần (thuộc huyện Hương Trà) để dũi hến. Nhưng không may bà đã bị hương lý xã bắt đi với lý do phải nộp thuế phạt vì dũi hến mà không xin phép, theo lời các quan là “Hến về làng, thành hoàng về miếu”.
Sau đó, dân làng Giang Hến biết tin đã rất bất bình, quyết định kéo nhau đi kiện để đòi lại công bằng cho bà Thẹp và phản đối hành vi trái đạo của hương lý xã. Bất ngờ là đơn kiện của dân làng đã lên được đến triều đình, rồi sau đó còn được vua Thành Thái trực tiếp hạ bút phê “Thượng từ nguyên đầu, hạ chí hải khẩu” . Câu này có ý nghĩa: Từ đầu nguồn đến cuối sông biển, ao hồ phải chịu thuế còn sông nước được dân dùng tự do. Điều này đồng nghĩa với việc vua đồng tình với dân làng Giang Hến, xử cho bà Thẹp thắng kiện.
Khi hay tin, dân làng Giang Hến đã rất vui mừng, tin rằng nhờ có thần sông phù hộ mà họ mới được vua xử thắng. Thế nên cả làng quyết định kết long đình trên thuyền, trang trí cờ lọng để đi rước bản châu phê về làm lễ tạ, sau đó còn lấy chiếc “tròng” đã được hương lý dùng lúc bắt bà Thẹp, thả xuống nước, thể hiện khát vọng muốn chống lại cường quyền áp bức bóc lột.
2. Lễ Rước Hến ngày nay
2.1 Quá trình chuẩn bị cho lễ Rước Hến
Cùng với du lịch ngày càng phát triển, Huế không chỉ chú trọng vào phát triển những địa điểm, di tích lịch sử thu hút du khách mà còn tái hiện rất nhiều lễ hội truyền thống để khách du lịch trải nghiệm không khí văn hóa và bản sắc của mảnh đất Cố đô. Lễ hội được tổ chức định kỳ vào ngày 26/4 Âm lịch, tại làng Cồn Soi, phường Vĩ Dạ. Lễ hội được tổ chức bởi người dân Huế, chủ yếu là những người làm nghề cào hến trên sông với mong muốn gửi gắm sự biết ơn đến thần sông đã cho họ nguồn hến ngon ngọt, cũng là kế sinh nhai của nhiều người.
Quá trình chuẩn bị lễ hội được dân làng cùng nhau thực hiện bằng việc kết thuyền trang trí long trọng, có án thờ giữa thuyền. Những người tham gia lễ hội tất cả đều là nam giới, gồm các vị bô lão, trung niên và thanh niên. Trang phục được chuẩn bị cho lễ hội là những bộ trang phục truyền thống, được phân chia theo từng lớp người. Ngoài ra còn chuẩn bị múa lân và những trò chơi dân gian để dân làng cùng nhau vui chơi.
2.2 Các bước cúng bái của lễ Rước Hến
Quá trình tế lễ gồm hai đoàn thuyền ra sông. Một thuyền đi đến ngã ba sông Hương mang theo án thờ, ở giữa cắm cây đại phan, hay còn được gọi là “Hội đồng thần kỳ” do các bô lão lựa chọn. Một đoàn thuyền khác được trang trí cờ lọng và án thờ, có kết hoa rực rỡ, mang theo trống chiêng sôi nổi. Đoàn thuyền thứ hai xuất phát từ giữa sông, tỏa đi hai hướng thượng nguồn và hạ nguồn con sông. Bước này gọi là cung nghênh thần kỳ sống nước.
Đến mỗi địa điểm, các bô lão sẽ chọn vị trí đẹp để bày hương hoa quả phẩm, các loại gạo muối, đồ tế lễ làm nghi thức rước thần. Đủ 3 tuần rượu thì cung nghinh thần về điểm xuất phát ở giữa sông. Sau khi các con thuyền hoàn tất cung nghinh sẽ tập trung về nhà thờ họ Nguyễn, là nhà thờ chung của 12 họ khai canh nên xã Phú Xuân. Tại đây các bô lão sẽ tiếp tục thực hiện lễ rước thần khai canh cùng đình hiệp tế, vừa cúng thần sống vừa cúng tế các vị thần làng.
Đám rước thần sông nước của lễ Rước Hến gồm một vị bô lão mặc trang phục áo đen dài, dùng thắt lưng bằng vải đỏ, là người đứng đầu gánh án thờ chính ở điểm hội đồng (thuyền cắm cây đại phan giữa sông). Thêm vào đó là một số người mặc áo dài đen, phụ trách cầm cây chèo đứng thành hai hàng, vừa làm động tác chèo thuyền vừa cất cao giọng hò mái đẩy. Trên thuyền còn có kèn trống, dàn nhạc phụ họa, được gọi là “chèo cạn”.
Khi vào đến đất liền, các chức sắc trong làng sẽ mặc y phục cổ truyền đi theo đám rước để hầu thần. Đám rước ghé nhà thờ họ Nguyễn để rước thần làng rồi mới vào đình để làm các bước tế lễ cuối cùng. Lễ hội thể hiện ý nghĩa cao đẹp của tập thể dân làng, những người cùng sống trên sông nước muốn gửi gắm niềm tin vào sự giúp đỡ của các vị thần sông cho đời sống no ấm, đủ đầy.
Ðoạn cuối là các chức sắc trong phường cùng với dân làng, ăn mặc y phục cổ truyền đi theo đám rước để hầu thần. Trước khi đám rước vào đình còn phải ghé vào nhà thờ họ Nguyễn để làm lễ rước thần về hợp tế. Thần khai canh phường Giang Hến là ông Huỳnh Tương, nguyên người làng Diên Ðại, huyện Phú Vang, tới Cồn Hến lập nghiệp bằng nghề dũi hến. Vua Gia Long lên ngôi, vùng Cồn Hến được đặt tên là phường Giang Hến thuộc xã Phú Xuân.
Lễ tục do vậy mang một ý nghĩa cao đẹp của tập thể, những con người sống trên sông nước ở một vùng sông nổi tiếng ở Thừa Thiên: Cồn Hến, nơi đặc biệt sản xuất loại hến nhỏ và ngon ngọt để làm nên món cơm hến độc đáo, ngon lành của xứ Huế. Đây chính là dịp để khách du lịch cảm nhận được nét đẹp văn hoá của người dân ở đây qua lễ hội này.