Trang chủ » Khám phá Huế » Lễ Hội Huế » Lễ Thướng Tiêu ở Hoàng Cung Huế
Tour Huế 1 ngày giá rẻ 750.000đ

Lễ Thướng Tiêu ở Hoàng Cung Huế

Lễ thượng Tiêu (Thướng Tiêu) hay còn gọi là nghi lễ dựng nêu, là lễ hội đặc trưng ngày tết trong Hoàng cung. Những năm gần đây lễ hội đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế phục dựng lại để du khách được tham dự không khí lễ hội đặc sắc này.

Thướng Tiêu (Dựng nêu) là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều Nguyễn. Ngoài những quan niệm tâm linh của dân gian, lễ dựng nêu của triều Nguyễn còn có mục đich để báo hiệu ngày Tết đã tới.

Ở Cô đô Huế hiện nay, lễ Dựng nêu tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp tại Thế Miếu (từ 9h sáng) và điện Long An (từ 10h sáng) do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tái hiện lần đầu tiên từ năm 2013 và đã trở thành một truyền thống không thể thiếu ở khu di sản Huế khi bắt đầu một cái Tết cổ truyền.

1. Giới thiệu về Lễ Thướng Tiêu

1.1 Tên gọi Lễ Thướng Tiêu

Lễ Thướng Tiêu còn có tên là Lễ Thượng Tiêu (Lễ dựng nêu). Trong đời sống cung đình ở Huế, trước ngày Tết thường làm lễ “Thướng tiêu”- tức dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Chữ Tiêu (標) trong Thướng tiêu (上標) có nghĩa là “ngọn cây” nơi cao nhất dễ nhìn thấy.

Dưới triều Nguyễn: các triều Vua Gia Long, Vua Minh Mạng, Vua Thiệu Trị, lễ dựng nêu được tiến hành vào ngày 27 tháng Chạp hằng năm, các triều Vua Tự Đức về sau lễ dựng Nêu được bắt đầu vào ngày 30 tháng Chạp.

1.2 Thời gian và địa điểm tổ chức Lễ Thướng Tiêu

Dựng cây nêu ngày Tết Nguyên đán là phong tục truyền thống của người Việt. “Thướng Tiêu” là một nghi thức truyền thống của dân tộc và cũng là một nghi lễ quan trọng vào đầu năm mới của triều đình nhà Nguyễn.

Theo nghi thức của triều đình nhà Nguyễn xưa, lễ “Thướng tiêu” tức dựng cây nêu được tổ chức vào ngày 23 tháng Chạp để báo hiệu một năm cũ đã qua, ngày Tết đã tới. Cây nêu ở Thế Tổ Miếu được dựng lên thì người dân xung quanh mới có thể bắt đầu dựng nêu.

Đoàn rước sẽ đi từ của Hiển Nhơn (phía Đông Hoàng Thành) qua Điện Thái Hòa tiến về Thế Tổ Miếu (nơi thờ các vị vua triều Nguyễn).

Theo truyền thống nghi lễ của triều Nguyễn, cây nêu được dựng trước dinh phủ, đình chùa, trước Điện Thái Hòa và các miếu trong Đại Nội.

1.3 Lễ dựng cây Nêu có ý nghĩa trong văn hóa của người dân Việt

Lễ dựng cây Nêu với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết dân gian là nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, theo từng địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc dựng cây Nêu ngày Tết đã trải rộng hơn và mỗi nơi mỗi khác.

Theo truyền thuyết, từ ngày xưa, tất cả đất đai đều thuộc quyền sở hữu của quỷ. Con người chỉ làm thuê và sống nhờ trên mảnh đất này. Nhờ sự giúp đỡ của Đức Phật, con người cuối cùng cũng chiến thắng loài quỷ và đuổi chúng xa ra ngoài biển Đông. Tuy nhiên, cứ mỗi dịp Tết đến, loài quỷ lại xin được trở về để thăm đất đai tổ tiên. Đức Phật thương tình cho phép nhưng với một vài sự ngăn cấm. Con người lúc đó dựng những cây Nêu, để đánh dấu những vùng đất loài quỷ không được xâm phạm, phá hoại.

Theo Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, tập hạ, chép rằng: “Bữa trừ tịch (tức ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre. Trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu, cau, vôi, giấy vàng bạc

Người Việt gọi là “Dựng Nêu”, có nghĩa là nêu lên cột mốc đón chào năm mới và xua đuổi xấu xa của năm cũ. Họ dựng cây nêu vào ngày 23 tháng Chạp. Bởi đó cũng là ngày Ông Táo về trời báo cáo Ngọc Hoàng. Cây Nêu sẽ giúp trừ ma quỷ quấy phá trong lúc Ông Táo vắng mặt. Người ta giữ cây đến ngày mồng 7 tháng giêng thì hạ xuống. Đó cũng là lúc kỳ lễ Tết kết thúc.

1.4 Ý nghĩa và văn hóa của Lễ Thướng Tiêu trong triều đại nhà Nguyễn

1.4.1 Cầu cho quốc thái dân an

Tại cung đình Huế, triều đình dựng nêu để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, cũng là biểu thị cho vương quyền triều Nguyễn và báo hiệu thời điểm nghỉ ngơi, vui đón Tết đã đến. Có thể nhìn thấy ấn triện cùng bùa đào (đề tên Thần và đề câu đôi Tết) và giỏ đựng giấy tiền vàng bạc, cau trầu treo ở đỉnh cây nêu.

Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa thì miếu điện, dinh thự, chùa quán và các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết cúng Thần cùng tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Thơ của Tú Xương có câu phản ánh định lệ này:

“Xuân từ trong ấy mới ban ra/ Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà”.

Nguyễn Khuyến lúc cáo lão về hưu, mắt lòa không nhìn thấy rõ đã vấp vào nêu dựng tối 30 tháng chạp rằng:

“Tối ba mươi nghe pháo Giao thừa à à Tết/ Sáng mồng một vấp nêu Nguyên đán ờ ờ Xuân”

Cây nêu dựng trong Đại Nội là một cây tre cao, to, chắc và dài chừng 15m, ngọn còn để nguyên lá. Trên ngọn nêu có buộc bùa đào ngoài việc ghi tên vị thần, còn treo câu đối Tết điển hình là câu “Tân niên nạp dư khánh/Gia tiết hiệu trường xuân” – Năm mới thừa chuyện vui/Tiết đẹp xuân còn mãi.

1.4.2 Lễ khóa ấn, treo ấn tín, cất ấn triệu

Dưới triều vua Minh Mạng, triều đình thường chọn một số ấn triện để treo lên ngọn nêu với ý nghĩa triều đình không tiếp nhận văn thư, không đóng dấu nữa, ngày này làm lễ khóa ấn (cất ấn triện) để triều đình nghỉ ngơi trong những ngày Tết. Các ấn triện sử dụng trong triều Nguyễn được khắc hình con rồng tượng trưng cho quyền lực của nhà vua.

Dưới Triều Nguyễn, trong cung cũng thực hiện nghi lễ dựng nêu. Nhưng cung đình gọi là lễ “Thướng Tiêu” với ý nghĩa như “nêu lên tiêu đề”. Nó có ý nghĩa biểu tượng như khẳng định cột mốc. Cây Nêu của cung đình sẽ là nơi cao nhất và đầu tiên để tất cả đều trông thấy và nương theo. Ngoài những lễ vật truyền thống, dân gian, cây nêu của Hoàng Cung còn treo các ấn tín, con dấu. Khi triều đình dựng nêu cũng báo hiệu cho kỳ nghỉ lễ Tết đã tới, các việc triều chính tạm thời dừng lại. Kỳ nghỉ Tết có thể bắt đầu. Lễ Thướng Tiêu trong cung diễn ra với nhiều nghi thức, lễ nhạc hơn. Triều đình dựng nêu để cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Sau đó, các bộ, cơ quan khác, và người dân sẽ lần lượt dựng nêu đón Tết.

2. Cách tổ chức và Diễn biến của Lễ Thướng Tiêu

2.1 Các bước cụ thể trong tổ chức Lễ Thướng Tiêu

Dựng nêu là một nghi thức truyền thống để báo hiệu ngày tết đã về và kính báo với tổ tiên, mời ông bà tổ tiên về ăn tết với con cháu; đặc biệt việc dựng cây nêu còn có một ý nghĩa hết sức nhân văn của tất cả cư dân Việt Nam, đó là thắp sáng niềm mơ ước về một năm mới có nhiều thắng lợi, hạnh phúc, đó cũng chính là lý do vì sao tục dựng nêu được giữ mãi và trao truyền qua rất nhiều thế hệ hàng nghìn năm nay.

Theo đúng lệ xưa, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng chọn một số ấn triện bỏ vào sọt để treo lên nêu.

Đội ngũ rước nêu trong trang phục áo quan, binh lính triều Nguyễn, cùng với đội nhã nhạc, đội cờ phướn bắt đầu nghi thức từ cửa Hiển Nhơn. Trên đường rước nêu, đội nhã nhạc cung đình Huế sẽ tấu các bản nhạc cung đình xưa. 10 người lính rước vác cây nêu khởi hành trong âm thanh của Tiểu nhạc tiến vào Hoàng Cung, đi qua Triệu Tổ Miếu, điện Thái Hòa để đến cửa chính của khu vực Thế Miếu và tiến hành nghi thức dựng nêu.

Tại Thế Miếu, hương án, lễ phẩm cùng đội Đại nhạc và các bồi tự đã chờ sẵn. Trước khi dựng nêu, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế bày biện một mâm cỗ, gồm lợn, gà, xôi và mâm ngũ quả để cúng. Xưa kia, vật phẩm cúng trong lễ dựng nêu đều do các vị quan trong Bộ Lễ chuẩn bị. Các nghi thức lễ như nghênh thần, khánh hạ được cử hành trong âm thanh của Đại nhạc. Sau phần lễ, 10 người lính vác nêu tiến hành dựng nêu lên.

Theo điển lệ, khi thấy cây nêu lấp ló trên những bức tường thành của chốn hoàng cung xưa, các nhà dân mới bắt đầu tiến hành dựng nêu ăn Tết cúng Thần cùng tổ tiên và vạch vôi trừ ma quỷ. Ngày giờ dựng nêu của dân chúng sau định lệ của triều đình.

Đến ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch, cây nêu sẽ được hạ xuống đánh dấu ngày nghỉ Tết đã hết, là lúc triều đình mở ấn và người nông dân xuống đồng cày cấy, làm việc trở lại.

2.2 Tái hiện nghi lễ cung đình thông qua Lễ Thướng Tiêu

Dựa trên các cứ liệu lịch sử, Lễ Thướng Tiêu được tái hiện rất sống động, từ trang phục, nghi lễ đến âm nhạc. Đây không chỉ là một điểm nhấn văn hóa du lịch. Nó còn góp phần mang lại không khí Tết truyền thống. Bên cạnh đó, nghi lễ còn góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc.

Từ Cửa Hiển Nhơn, 10 lính trong trang phục chỉnh tề sẽ vác một cây tre già. Nó dài khoảng 15m và sẽ dùng làm cây Nêu. Trong âm thanh hân hoan của lễ nhạc, đoàn rước nêu tiến về Điện Thái Hòa rồi khu vực Thế Miếu để tiến hành nghi thức dựng nêu. Tại đây, các vị cao niên, chủ lễ đã bày sẵn hương án và đội đại nhạc. Những vị cao niên sẽ đại diện thực hiện các nghi thức nghinh thần, khánh hạ một cách trang nghiêm. Sau phần lễ, 10 lính vác sẽ tiến hàng dựng cây nêu, báo hiệu kỳ nghỉ Tết đã đến.

Sau lễ thượng Tiêu, tại Đại nội Huế còn tổ chức rất nhiều lễ hội đặc trưng của ngày tết cung đình. Không gian văn hóa tại đây sẽ cho bạn những trải nghiệm vô cùng mới lạ, hoàn toàn khác biệt với tết cổ truyền mà chúng ta vẫn trải qua. Vì thế nếu có cơ hội đến Huế vào trước tết Nguyên đán, đừng bỏ lỡ cơ hội ghé Hoàng thành, xem lễ thượng Tiêu và những phong tục cổ truyền khác được phục dựng tại đây nhé.

Nội dung tổng hợp | Hình ảnh của Lê Phúc Bảo Minh

City Tour Huế 1 ngày

Tôi là ai: Iu Huế

Là một người yêu Huế! Gọi ngay: 0934.579.759 | 0914.73.1914

BÌNH LUẬN

Khám phá thêm

Lễ hội Tết Aza – A Lưới

Lễ hội Tết Aza – Lễ hội Đón năm mới của người đồng bào Pa …