Trang chủ » Khám phá Huế » Lăng tẩm Huế » Lăng vua Tự Đức – Cầu kỳ và tinh xảo
Tour Huế 1 ngày giá rẻ 750.000đ

Lăng vua Tự Đức – Cầu kỳ và tinh xảo

Vua Tự Đức là hoàng tử thứ hai của vua Thiệu Trị và bà Phạm Thị Hằng (thái hậu Từ Dũ), tên thật là Nguyễn Phúc Thì, lên ngôi năm 1847. Sinh thời, ông vốn là một người giỏi thi phú nhưng không may ông lại bị bệnh đậu mùa nên vô sinh. Vì là vị hoàng tử thứ hai nên việc lên ngôi của ông đã gây ra sự lục đục trong hoàng gia.. Hơn thế nữa, đến năm 1858 thực dân Pháp lại nổ súng tấn công vào Đà Nẵng và tiến đến chiếm Gia Định năm 1862.Đứng trước tình hình khó khăn của đất nước, sau 16 năm trị vì mà nội bộ triều đình vẫn không yên, ngoại thì không tĩnh, ông càng trở nên bi quan. Trong tâm trạng u hoài đó, vua Tự Đức đã hạ lệnh xây dựng lăng Tự Đức như một hoàng cung thứ hai để thỉnh thoảng lên đây nghỉ ngơi, tiêu khiển.

Mộ vua Tự Đức
Khu vực lăng mộ vua Tự Đức trong quần thể lăng

Lăng Tự Đức là một quần thể những công trình được xây dựng theo một lối kiến trúc cầu kỳ và tinh xảo. Ban đầu, nhà vua đặt tên cho công trình lăng mộ của mình là Vạn Niên Cơ, khởi công xây dựng vào năm 1864. Sáu nghìn lính và thợ được huy động để xây khoảng 50 công trình lớn nhỏ gồm thành quách, cung điện, lăng mộ trong diện tích rộng 12ha. Tuy nhiên, trong bối cảnh “thù trong giặc ngoài” của đất nước thời ấy, nhà vua lại tập trung số lượng lớn về nhân công và chi tiêu ngân sách quốc gia nhiều như thế, nên đã gây nên cuộc nổi loạn Chày Vôi của những người dân phu xây lăng.Cuộc nổi loạn bị đàn áp. Lăng được hoàn thành năm 1867, đang lúc vua còn đang trị vì. Tự Đức đã đặt lại tên cho lăng thành Khiêm Cung, đồng thời các bộ phận kiến trúc trong lăng cũng được gắn với chữ Khiêm. Sau khi Tự Đức mất (năm 1883), lăng được đổi tên thành Khiêm Lăng.

Bi Đình - Lăng Tự Đức
Bi đình với tấm bia đá Thanh Hóa lớn phía trước khu vực lăng mộ

Ngày nay, lăng Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, huyện Hương Thủy của tỉnh Thừa Thiên Huế. Từ ngoài bước vào, du khách sẽ qua Vụ Khiêm Môn, đi theo những con đường được lát gạch Bát Tràng uốn lượn quanh co để vào khu lăng mộ. Phía bên trái là hồ Tịnh Khiêm thơ mộng với đảo Tịnh Khiêm là nơi trước đây nhà vua thường nghỉ ngơi sau cuộc dạo thuyền quanh hồ. Trên hồ Tịnh Khiêm thì có Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ – nơi nhà vau đến ngắm hoa, làm thơ, đọc sách…Ba cây cầu Tuần Khiêm, Tiễn Khiêm và Do Khiêm bắc qua hồ Lưu Khiêm dẫn đến đồi thông bạt ngàn và đảo xanh ngát hương cỏ hoa nơi có hai khu vực chính: điện thờ và lăng.

Hồ Lưu Khiêm với Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ nơi nhà vua đến ngắm hoa
Hồ Lưu Khiêm với Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ nơi nhà vua đến ngắm hoa

Khu điện thờ được xây dựng bằng gỗ. Đầu tiên là Chí Khiêm Đường ở phía trái, nơi thờ các bà vợ vua. Tiếp đến là 3 dãy tam cấp bằng đá dẫn vào Khiêm Cung. Bên trong Khiêm Cung Môn là khu vực dành cho vua nghỉ ngơi mỗi khi đến đây. Chính giữa là điện Hòa Khiêm để vua làm việc, nay là nơi thờ cúng bài vị của vua và Hoàng hậu. Hai bên tả, hữu là Pháp Khiêm Vu và Lễ Khiêm Vu dành cho các quan văn võ theo hầu. Sau điện Hòa Khiêm là điện Lương Khiêm, xưa là chỗ nghỉ ngơi của vua, về sau được dùng để thờ vong linh bà Từ Dũ, mẹ vua Tự Đức. Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm Đường – nơi cất đồ dùng của nhà vua. Đặc biệt, phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để nhà vua xem hát, được coi là một trong những nhà hát cổ nhất của Việt Nam hiện còn. Có một hành lang từ điện Ôn Khiêm dẫn ra Trì Khiêm Viện và Y Khiêm Viện là chỗ ở của các cung phi theo hầu nhà vua, ngay cả khi vua còn sống cũng như khi vua đã chết. Cạnh đó là Tùng Khiêm Viện, Dung Khiêm Viện và vườn nuôi nai của vua.

Hòa Khiêm Điện - Lăng vua Tự Đức
Hòa Khiêm Điện – Lăng vua Tự Đức

Sau khu vực tẩm điện là khu lăng mộ. Ngay sau Bái Đình với hai hàng tượng quan viên văn võ là Bi Đình với tấm bia bằng đá Thanh Hóa nặng 20 tấn có khắc bài “Khiêm Cung Ký” do chính Tự Đức soạn. Tuy có đến 103 bà vợ nhưng Tự Đức không có con nối dõi nên đã viết bài văn bia này thay cho bia “Thánh đức thần công” trong các lăng khác. Toàn bài văn dài 4.935 chữ, là một bản tự thuật của nhà vua về cuộc đời, vương nghiệp cũng như những rủi ro, bệnh tật của mình, kể công và nhận tội của Tự Đức trước lịch sử. Đằng sau tấm bia là hai trụ biểu sừng sững như hai ngọn đuốc tỏa sáng cùng với hồ Tiểu Khiêm hình trăng non đựng nước mưa để linh hồn vua rửa tội. Giờ đây, bên trong Bửu Thành là Huyền Cung, nơi thi hài của nhà vua Tự Đức được lưu giữ. Từ ngôi nhà bằng đá bên trong Bửu Thành nhìn ra ngoài là cảnh rừng thông vi vu lộng gió.

City Tour Huế 1 ngày

Tôi là ai: Iu Huế

Là một người yêu Huế! Gọi ngay: 0934.579.759 | 0914.73.1914

BÌNH LUẬN

Khám phá thêm

Lăng Cơ Thánh – khám phá lăng mộ cha đẻ vua Gia Long

Lăng Cơ Thánh là lăng mộ cha đẻ vua Gia Long, còn có tên gọi …