Chùa Túy Vân – Bãi biển hoang sơ dưới chân núi xanh chập chờn mây trắng, tiếng chuông chùa ngân nga giữa tiếng sóng ì ầm, và hơn hết, cuộc sống giản dị giữa những người dân chài hồn hậu, đã khiến lữ khách mê mẩn Túy Vân chẳng muốn rời.
Cách thành phố Huế 40 km về phía đông, thuộc xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc, có một ngọn núi hình con rùa nổi lên giữa sóng nước của phá Tam Giang và biển Đông. Chúa Nguyễn Phúc Tần trong một lần đi thuyền qua cửa biển Tư Hiền, thấy phong cảnh hữu tình, đã cho lập một ngôi chùa nhỏ đặt tên Mỹ Am Sơn để cầu phúc, an dân. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí”, chiến tranh loạn lạc, làm chùa trở nên hoang tàn đổ nát. Năm 1825, vua Minh Mạng đến du ngoạn ở cửa Tư Hiền đã cho trùng tu chùa và đổi tên núi thành Thúy Hoa. Năm 1836, nhà vua lại cho đại trùng tu chùa, sau chỉnh trang lớn này chùa trở thành một “quốc tự” mang phong cách kiến trúc cung đình đậm nét. Đến thời vua Thiệu Trị, núi được đổi thành Thúy Vân. Dẫu vậy, người đời đến nay vẫn quen gọi là núi Túy Vân, chùa cũng gọi là chùa Túy Vân, nghĩa là núi Mây Say, chùa Mây Say.
Từ đây không gian mát rượi, không thấy ánh nắng hè chói chang, hàng trăm gốc cây thông cổ thụ nguyên sinh, có nhiều cây lớn đến hai ba người ôm không xuể. Ngôi chùa cổ giữa núi rừng u tịch, ngập tràn hoa lan, hoa dại và tiếng chim muông ríu rít. Lữ khách theo con đường nhỏ hàng trăm bậc đá cứ cao lên, cao lên mãi, giữa hàng hàng cổ thụ, thảm lá rừng ngập lối đi, khiến người viếng chùa có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát.
Tòa điện Đại Hùng mới được trùng tu, lộng lẫy và uy nghi màu sắc sơn son thếp vàng, bên phải điện Đại Hùng có tòa nhà bia dựng lên để che tấm bia ngự chế của vua Minh Mạng. Tòa điện Đại Hùng là một tòa nhà kép 3 gian 2 chái, làm theo kiểu cách Cung điện Huế, bên trong có nhiều pháp khí rất quý như bộ tượng Tam Thế, tượng Thập Bát La Hán, tượng Thập Điện Diêm Vương, chuông đồng… Nội điện trang trí theo kiểu “nhất thi nhất họa” trên tất cả các ô liên ba gắn quanh bộ khung nhà. Sau đó, phải đi qua cổng hậu của vòng tường quanh điện Đại Hùng, vượt thêm trăm bậc cấp nữa mới đến Đại Từ Các nằm giữa lưng chừng núi. Trong khuôn viên chùa có một cái giếng cổ tên gọi Cam Lộ, đào từ thời vua Minh Mạng, hiện vẫn còn nguyên vẹn tấm bia đá khắc ba chữ Hán “Cam Lộ Tỉnh”, hàng ngày nước giếng được máy bơm lên để nhà chùa sử dụng.
Thú vị nhất khi đã lên tới đỉnh ngọn tháp ba tầng gọi là tháp Điếu Ngư, về mùa hè vô vàn hoa độc mộc tỏa sắc ngát hương. Trên đỉnh tháp Điếu Ngư, hướng ra xa có thể quan sát hết toàn cảnh của huyện Phú Lộc, nhìn thấy núi rừng Bạch Mã hùng vĩ, phá Tam Giang- Cầu Hai mênh mông.
Cách núi Túy Vân về hướng đông khoảng 700 mét có núi Linh Thái nhỏ hơn, tên gọi khác là Quy Sơn hay núi Rùa vì trông rất giống một con rùa biển, dưới chân núi là bờ biển chập chùng đá to, nhỏ tạo thành những hang động kỳ thú. Từ đây nhìn thẳng ra cửa Tư Hiền nằm giữa hai xã Vinh Hiền và Lộc Bình, nơi đầm Cầu Hai đổ vào với biển Đông. Các bô lão kể rằng: Cửa biển này trước đây gọi là cửa Tư Dung, do công chúa Huyền Trân, con vua Trần Nhân Tông trước khi xuất giá sang Chiêm Thành đã ghé thuyền vào đây bái vọng tổ tiên. Sau đó cửa biển tự nhiên cạn dần, chiến thuyền không thể vào được, nên nó được đổi tên là cửa Tư Hiền. Do địa thế nằm cuối hệ thống đầm phá nước lợ Thừa Thiên- Huế (bao gồm phá Tam Giang, đầm Sam, đầm Chuồn, đầm Thủy Tú, đầm Đá Bạc, đầm Cầu Hai), nên Tư Hiền có nhiều loài hải sản giá trị như tôm rằn, cá mú, cá hồng…
Từ khi chùa Túy Vân được công nhận là Di tích Lịch sử- Văn hóa- Tôn giáo quốc gia, và cầu Tư Hiền ra đời nối liền quốc lộ 1A từ Đà Nẵng ra Huế, chỉ qua đèo Phước Tượng rẽ tay phải theo QL49B mất nửa giờ là đến Túy Vân Sơn, số khách tham quan đang tăng rất nhanh.