Trường nữ sinh Đồng Khánh – Nằm ở số 14 Lê Lợi, Thành phố Huế. Trường THPT Hai Bà Trưng thường được biết đến trong dân gian với tên gọi trường nữ sinh Đồng Khánh hoặc trường Đồng Khánh, là một trong những ngôi trường lớn và có lịch sử lâu đời tại miền Trung và cả Việt Nam.
Tồn tại vừa tròn 100 tuổi, ngôi trường Đồng Khánh ở Huế dành cho học sinh nữ của 13 tỉnh miền Trung ngày xưa (trường Hai Bà Trưng ngày nay) đã đào tạo được nhiều thế hệ nữ nhân tài cho đất nước.
Cho đến đầu thế kỷ XX, có rất ít phụ nữ Việt Nam được đi học. Ở Huế, trường Quốc Học ra đời năm 1896 chỉ dành cho nam giới. Ở Nam Kỳ có trường Chasseloup-Laubat, ở Bắc Kỳ có trường trung học Bảo Hộ (Collège du Protectorat) cũng chỉ dành cho nam sinh.
Sau đó ít lâu, do càng ngày con gái những người Pháp ở Việt Nam càng đông, Sài Gòn mới mở một trường Nữ trung học đầu tiên, còn ở Huế không có trường nữ trung học, mà ban đầu chỉ có trường tiểu học Jeune Fille ở đường Paul Bert (nơi tọa lạc trường Phú Hòa A – Thượng Tứ ngày nay).
Cho đến 1915
Cho mãi đến năm 1915, sau khi có sắc lệnh bãi bỏ thi hương ở Bắc Kỳ, phá bỏ ngôi trường mái tranh Quốc Học để xây dựng lại thành hai dãy lầu, triều Nguyễn và chính quyền bảo hộ mới nghĩ đến việc xây dựng ở Huế một trường nữ trung học để cho phụ nữ xứ bản xứ có điều kiện học tập, thi thố tài năng với phái nam giới và đào tạo nhân tài nữ làm công bộc cho chính quyền bảo hộ.
Đến năm 1917, khi việc xây dựng trường Quốc Học hoàn thành được một nửa, vua Khải Định được sự đồng ý của Toàn quyền Albert Sarraut, đã ra chỉ dụ thành lập trường nữ trung học đầu tiên ở Trung Kỳ và chọn cuộc đất ngay bên cạnh trường Quốc Học vốn là trại lính thủy quân hoàng gia để xây dựng trường.
1917 – Lễ đặt đá xây dựng trường
Ngày 15-7-1917, lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng trường nữ trung học Đồng Khánh – ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung kỳ, được diễn ra dưới sự chứng kiến của vua Khải Định và Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut. Hàng trăm người thợ Huế dưới sự chỉ huy của nhà thầu người Pháp tên là Leroy đã xây dựng ngôi trường trong vòng hai năm.
Từ đây, nhiều tiểu thư khuê các nhanh chóng bước ra khỏi chốn “màn che trướng rũ” để nhập cuộc với thời đại.
Trường Đồng Khánh ban đầu là trường Tiểu học. Về sau, sĩ số gia tăng, Trường trở thành Trung Tiểu học, lấy tên là Collège Đồng Khánh. Kiến trúc của Trường tương tự như kiến trúc Trường Quốc Học. Trong thời kỳ Pháp thuộc, Trường Đồng Khánh được đặt dưới quyền quản trị của người Pháp.
Khóa Trung học đầu tiên
Khoá Trung học đầu tiên năm 1920 và tốt nghiệp năm 1924 gồm có 7 phụ nữ mà tên tuổi ở Huế được nhiều người biết. Đó là các bà : Bùi Xuân Dục, Ưng Thuyên, Nguyễn Thị Du, Phạm Doãn Điềm, Tôn Nữ Thị Sâm, Nguyễn Văn Kiệt, Tôn Nữ Thị Liêm.
Đến năm 1956, bậc Tiểu học được bãi bỏ chỉ còn lại bậc Trung học và từ đó mang tên là là trường nữ Trung học Đồng Khánh. Những năm đầu tiên, nữ sinh của Trường mặc đồng phục màu tím nên trường còn được gọi là trường Áo tím
Suốt 60 năm từ khi thành lập cho đến năm 1975, Đồng Khánh là trường nữ duy nhất ở miền Trung dạy đủ các môn văn – thể – mỹ – hạnh và lao động kỹ thuật. Cùng với việc học văn hóa, nữ sinh Đồng Khánh còn được dạy cách nuôi con, quản lý gia đình, phép tắc ứng xử và học cả cách cứu thương…
Vì vậy, nữ sinh Đồng Khánh một thời nổi tiếng với vẻ đẹp cung dung ngôn hạnh. Hình ảnh nữ sinh Đồng Khánh với chiếc áo dài màu tím Huế đã trở thành biểu tượng của thiếu nữ Huế.
Biểu tượng của thiếu nữ Huế
Tuy được xây dựng để phục vụ cho chính quyền bảo hộ nhưng việc nữ sinh Việt Nam vào học tại trường Đồng Khánh, được tiếp xúc với văn minh văn hóa phương Tây, càng khai sáng và khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự tôn dân tộc. Người Pháp đã không ngờ rằng chính những nữ sinh học giỏi của trường Đồng Khánh lại là những người có tinh thần độc lập, đấu tranh với thực dân Pháp mạnh mẽ nhất.
Những bậc kỳ nữ tài hòa
Trong lịch sử, nhiều nữ sinh của ngôi trường này đã trở thành những bậc kỳ nữ tài hoa trong nhiều lĩnh vực, như: Trần Thị Như Mân (phu nhân nhà văn hóa Đào Duy Anh), nhân sĩ Đào Thị Xuân Yến (tức bà Tuần vũ Nguyễn Đình Chi), nhà Cách mạng Nguyễn Thị Quang Thái (vợ đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp), điêu khắc gia Điềm Phùng Thị, chuyên gia nữ công Hoàng Thị Cúc…
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất năm 1975, trường Đồng Khánh đổi tên thành trường cấp III Trưng Trắc, rồi đến năm 1981 đổi thành trường THPT Hai Bà Trưng và tiếp tục đào tạo nhiều thế hệ học sinh cả nam và nữ)thành công trên nhiều lĩnh vực.