Đã đến Huế thì bạn nên ghé thăm Hổ Quyền – Đấu trường cổ độc nhất vô nhị còn sót lại ở thành phố Huế.
“Ngoài đấu trường giác đấu nổi tiếng thời La Mã cổ đại như Colosseum (Italy), không đâu tìm được một đấu trường quy mô như Hổ Quyền”, nhà Huế học Phan Thuận An nhận xét về đấu trường độc nhất vô nhị ở thành phố Huế.
1. Hổ Quyền nằm ở đâu?
Nằm trong quần thể di tích Cố đô Huế, cách trung tâm TP Huế (Thừa Thiên Huế) chừng 5 km về phía tây, khu di tích Hổ Quyền tọa lạc trên vùng đồi Long Thọ, phường Thủy Biều. Đây được xem là công trình “độc nhất vô nhị” không những ở Việt Nam mà cả ở châu Á.
2. Hổ Quyền được xây dựng lúc nào?
Được xây dựng năm 1830 (năm Minh Mạng 11), đấu trường phục vụ mục đích tổ chức những cuộc đấu giữa voi và hổ. Đây là một công trình lộ thiên hình vành khăn có kiến trúc hoành tráng thời bấy giờ.
Vòng thành trong cao 5,9 m; vòng thành ngoài cao 4,75 m. Chu vi tường ngoài Hổ Quyền là 145 m, đường kính lòng chảo là 44 m. Vât liệu xây dựng bằng gạch vồ, đá thanh và vôi vữa tốt.
3. Kiến trúc của Hổ Quyền
Khán đài vua ngồi ở mặt Bắc được xây cao hơn so với các vị trí chung quanh và cơi nới ra sau tạo một không gian tương đối rộng. Bên trái khán đài là hệ thống bậc cấp đi lên gồm 24 cấp dành cho vua và các quốc thích đại thần. Bên phải có hệ thống bậc cấp khác xây tương tự dành cho quan chức và binh lính. Từ khán đài này nhìn qua phía đối diện, người ta có thể nhận ra 5 chuồng cọp nằm ngay trong lòng đấu trường. Hệ thống cửa ở các chuồng hổ là các cửa gỗ được đóng mở bằng cách kéo dây từ trên xuống.
Khi chưa xây dựng đấu trường Hổ Quyền, triều đình Nguyễn thường tổ chức các trận chiến giữa voi và hổ ở bãi đất trống trên cồn Dã Viên nằm giữa dòng sông Hương cách đó khoảng 2 km.
Đấu trường Hổ Quyền có nét tựa đấu trường La Mã, khi xây dựng lộ thiên, có cấu trúc theo hình vành khăn, hai vòng thành trong và ngoài được sử dụng gạch vồ. Vòng thành trong cao 5,8 m, vòng thành ngoài cao 4,75 m, dày trung bình 4,5 m. Thành ngoài nghiêng tạo kiểu chân đế, chu vi tường ngoài là 140 m, đường kính lòng chảo là 44 m.
4. Những trận hổ chiến voi chiến
Vào bên trong những chuồng nhốt hổ, nhiều vết cào xước hằn lên các bức tường. Nghi thức tổ chức các trận quyết đấu giữa voi và hổ rất trang trọng. Trận tử chiến giữa voi và hổ chỉ diễn ra mỗi năm một lần nhưng cũng có khi vài ba năm mới tổ chức tùy theo sở thích của từng nhà vua trị vì. Các vua Nguyễn là người tổ chức, cũng là người điều khiển, vừa là khán giả rất nhiệt tình cổ vũ cho trận đấu cho đến khi voi quật chết hổ mới thôi.
Theo sử sách, các trận đấu không chỉ mang tính giải trí thông thường mà còn xuất phát từ nhu cầu rèn luyện tượng binh, một binh chủng rất lợi hại của quân đội xứ Đàng Trong và là lễ hội lớn do triều đình tổ chức nhằm khích lệ tinh thần thượng võ trong dân chúng.
Trận đấu cuối cùng tại Hổ quyền diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái. Kể từ đó, đấu trường không còn hoạt động và bị bỏ hoang cho đến ngày nay.
Hổ Quyền là một công trình kiến trúc độc đáo hiếm thấy ở Ðông Nam Á. Tuy không đồ sộ như những đấu trường thời đại đế quốc La Mã nhưng nó cũng có dáng dấp đặc sắc và tạo được một không khí thượng võ, uy nghiêm.
Ảnh bởi Võ Thạnh